BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG (APHTHAE EPIZOOTICA, FMD)

BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG (APHTHAE EPIZOOTICA, FMD)

04/07/2014 ||

 Mô tả
Bệnh lở mồm long móng (LMLM) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm của động vật móng guốc chẵn như: trâu, bò, lợn, dê, cừu, hươu, nai…, được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) xếp đầu tiên ở bảng A (các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm ở động vật). 

Nguyên nhân

Bệnh do một loại vi rút hướng thượng bì, gồm 7 type: O, A, C, Asia-1, SAT-1, SAT-2, SAT-3 gây ra. Ở Việt Nam, đã phát hiện 3 type: O, A và Asia -1.

Bệnh lây lan mạnh qua tiếp xúc trực tiếp giữa gia súc khỏe với gia súc nhiễm bệnh hoặc lây gián tiếp qua thức ăn, nước uống, chất thải, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vân chuyển, không khí… có chứa mầm bệnh.

Triệu chứng





Thời gian ủ bệnh thường từ 2 đến 7 ngày. Con vật ban đầu miệt mỏi, ủ rũ, lông dựng, mũi khô, sốt cao 40oC-41oC kéo dài 2-3 ngày, con vật khó ăn, tiết nhiều nước bọt xà phòng và nhớt dãi.



Sau 3-4 ngày mụn nước màu đục bắt đầu mọc ở quanh mũi, niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, bờ móng, kẽ móng và núm vú. Những mụn nước sau vài ngày vỡ ra làm cho niêm mạc bong từng mảng thượng bì để lộ những vết loét đỏ. Nếu không bị nhiễm khuẩn, những vết loét này sẽ hồi phục sau 2-3 ngày và thành sẹo.Nếu điều kiện vệ sinh và chăm sóc kém, những mụn loét ở quanh móng chân có thể bị nhiễm trùng sinh mủ tạo thành những ổ loét sâu trong móng chân và làm long móng, con vật khập khiễng, di chuyển khó khăn. 
Bò có thể bị viêm phế quản, màng phổi, phổi.
Bò cái mang thai thường bị sẩy thai và sản lượng sữa giảm đáng kể. 
Bê mắc bệnh sốt cao, chết đột ngột trước khi xuất hiện các mụn nước do viêm cơ tim, đặc biệt ở bê sơ sinh. 
Bò khỏi bệnh khó phục hồi thể trọng cũng như lượng sữa trong nhiều tháng, kể cả chậm động dục.


Bệnh tích

Mụn bọc nước ở niêm mạc miệng, lợi, chân răng, lưỡi, hầu, mũi, riềm móng, kẽ móng, núm vú, dạ muối khế, ruột non… kèm theo tụ huyết và xuất huyết. 
Cơ tim biến chất, mềm, có vết sám trắng nhạt hay vàng nhạt, màng bao tim sưng to trong chứa dịch vàng. Đây là bệnh tích ở tim thường thấy khi con vật mắc bệnh thể nặng. Những biến đổi tương tự còn thấy ở hệ cơ vân.
Viêm khí quản, viêm phổi, lá lách sưng to và đốm sẫm.

Phòng bệnh

Bệnh LMLM là một trong các bệnh truyền nhiễm ở gia súc khó kiểm soát nhất. Do bệnh xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, lây lan nhanh, mạnh với các chủng gây bệnh khác nhau và không có miễn dịch chéo giữa các chủng. 


Vacxin phòng bệnh

Là biện pháp tiên quyết để phòng bệnh LMLM là tiêm phòng vacxin. Phải lựa chọn vacxin đặc hiệu phù hợp với type gây bệnh ở địa phương. Ở Việt Nam lưu hành 3 type (theo Cục thú y) là các type O (O-Manisa, O-3039); type A (A-Myanmar); type Asia-1 (Shamir).

Tiêm lần đầu cho bê lúc 4-5 tháng tuổi và tiêm mũi thứ hai vào một tháng sau đó. Đối với bò cần tiêm phòng ít nhất 2 lần/năm (tốt nhất là 4 tháng tiêm phòng một lần tức là 3 lần năm) để tăng cường mức độ miễn dịch, tạo sự an toàn cao và ổn định.


Vệ sinh phòng bệnh

Các cơ sở chăn nuôi phải thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học để phòng dịch bệnh:
Thường xuyên thực hiện vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, thức ăn, nước uống; diệt các vật chủ trung gian truyền bệnh: ruồi, muỗi, chuột….
Định kì khử trùng tiêu độc bằng Han-Iodine 10%, Hankon W. Phun Hantox-200 diệt côn trùng ruồi.
Kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện, động vật ra vào trại. Trước khi ra vào khu vực chăn nuôi phải được vệ sinh, khử trùng và sử dụng trang bị bảo hộ.
Nâng cao sức đề kháng cho gia súc: thường xuyên bổ sung thuốc bổ vào thức ăn, nước uống: Han-Lytevit C, Han-Goodway.


Khi dịch xảy ra
Chủ nuôi gia súc khi phát hiện gia súc nhiễm bệnh phải nuôi cách ly và báo ngay cho cán bộ thú y để được hướng dẫn biện pháp xử lý.
Tăng cường biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi. Thu dọn phân, rác thải chăn nuôi đem xử lý trước khi dùng các hoá chất sát trùng.
Rắc vôi bột quanh khu vực chăn nuôi, đường đi lại.
Phun thuốc tiêu độc khử trùng: Iocid 30%, Han-Iodine 10% hoặc Hankon WS
Diệt côn trùng bằng Hantox-200.


Chữa triệu chứng
Bệnh LMLM không có thuốc điều trị đặc hiệu, Có thể chữa triệu chứng và phòng nhiễm trùng kế phát.
Chữa vết loét ở miệng: Han-Iodine 10% pha 20-30 ml với 100 ml nước sạch, dùng vải mỏng hay bông thấm thuốc sát trùng vết thương ở vành mũi, miệng, lưỡi, trong xoang miệng… Dùng 1-2 lần/ngày, liên tục trong 4-5 ngày.
Chữa vết loét ở móng, vú: Rửa sạch chân, vú gia súc bằng Han-Iodine 10% pha 50 ml/1 lít nước (hoặc Hankon WS pha 10g/lít nước) để rửa. Để khô rồi dùng Derma-Spray (hoặc Han-Iodine 10% dạng xịt) xịt trực tiếp vào vết thương ở móng, bầu, núm vú ngày 1-2 lần, liên tục trong 4-5 ngày.


Phòng nhiễm kế phát
Thuốc kháng sinh, dùng một trong các loại sau:
Hanmolin LA: 1ml/10 kg TT. Tiêm bắp 1 mũi tác dụng kéo dài 2 ngày, tiêm 2-3mũi.
Han-Clamox: 1ml/20 kgTT. Tiêm bắp ngày 1 lần.Liên tục 3-5 ngày.
Hanoxylin LA: 1ml/10 kg TT. Tiêm bắp 1 mũi tác dụng kéo dài 3 ngày, tiêm 2-3 mũi.
Hanceft: 1ml/10 kg TT. Tiêm bắp ngày 1 lần. Liên tục 3-5 ngày.
HanStapen: 1ml/25kg TT. Tiêm bắp ngày 1 lần. Liên tục 4-5 ngày.
Thuốc kháng viêm, giảm đau, hạ sốt
Diclofenac: 1ml/10 kgTT hoặc Hetdau: 1ml/33 kg TT. Tiêm liên tục 3 – 5 ngày
Kết hợp thuốc bổ trợ sức, trợ lực
Cafein Na-Benzoat 20%: 1ml/10-15 kg TT. Tiêm bắp 1 lần/ngày.
Han-Tophan: 1ml/10-15 kg TT. Tiêm bắp 1 lần/ngày. Liệu trình điều trị: 3-5 ngày.


Tăng cường biện pháp quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng
Giữ chuồng trại ấm áp, khô ráo, sạch sẽ (hạn chế dùng nước rửa chuồng). 
Tăng cường khẩu ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa.
Kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện, động vật ra vào trại.

Thông tin khác

BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG (APHTHAE EPIZOOTICA, FMD)
BỆNH GHẺ (30/12/2011)
BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG (APHTHAE EPIZOOTICA, FMD)
BỆNH THEILERIA (30/12/2011)
BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG (APHTHAE EPIZOOTICA, FMD)
BỆNH BIÊN TRÙNG (30/12/2011)
TOP