Đến thăm Công ty
Hanvet trong khi tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuốc thú y
đang hết sức khó khăn hiện nay, bạn sẽ phải ngỡ ngàng trước sức sống mãnh liệt
của một doanh nghiệp đang trên đà phát triển bền vững. Vậy bí quyết nào làm nên
thành công của HANVET hôm nay?
Đứng trước Nhà máy
sản xuất dược phẩm thú y, thủy sản, hóa chất diệt côn trùng và các sản phẩm
sinh học của HANVET được xây dựng hiện đại tại KCN Phố Nối A (Mỹ Hào, Hưng
Yên), bạn sẽ bị chinh phục hoàn toàn trước một qui mô bề thế, thiết bị hiện đại
đạt tiêu chuẩn GMP, thoả mãn tiêu chuẩn môi trường và an toàn sinh học của nhà
máy. Nhà máy thuốc GMP toạ lạc trong không gian xanh xinh đẹp, rộng rãi, êm ả
với diện tích trên 40.000m2, phía trước khuôn viên nhà máy là 400 tấn đá phong
thuỷ bố trí đậm nét Á Đông.
Tại đây bạn có cơ hội gặp những
con người sáng tạo, nhiệt huyết và cần mẫn như bầy ong mật, hàng ngày nghiên
cứu, tìm ra những sản phẩm thuốc thú y mang đậm dấu ấn thương hiệu HANVET. Khác
hẳn những doanh nghiệp thuốc thú y khác, chỉ tập trung phát triển thị trường,
nâng cao doanh số bán hàng, HANVET đi bằng cả hai chân: nghiên cứu và kinh
doanh. Hàm lượng chất xám gắn kết trên từng sản phẩm của HANVET, nó chứng minh
một điều- trong thời đại KHCN phát triển hiện nay doanh nghiệp thuốc thú y muốn
vươn lên chiếm lĩnh thị trường, phải luôn tìm tòi, sáng tạo, đầu tư mạnh mẽ cho
nghiên cứu.
Bí quyết nào, phép lạ nào
đã biến HANVET từ một doanh nghiệp nhà nước bé nhỏ thành lập năm 1988 với hai
bàn tay trắng, một doanh nghiệp "năm không" (không vốn, không công
nhân lành nghề, không trang thiết bị, không nhà xưởng, không có thị trường),
sau mười năm nỗ lực, chắt chiu dành dụm được 100.000USD để cổ phần hoá, đến nay
HANVET trở thành doanh nghiệp sản xuất dược phẩm thú y hàng đầu Việt Nam?
Bí quyết nào để sản phẩm của HANVET từ “ao nhà” đã vươn ra xuất khẩu đến hơn 10
quốc gia trên thế giới?
Trả
lời câu hỏi này, TGĐ. TS Nguyễn Hữu Vũ chia sẻ: “Bí quyết lớn nhất của chúng
tôi là đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm với định hướng hiện đại hóa sản xuất, trí
tuệ hóa sản phẩm”.
Quả đúng như vậy, bằng những biện pháp quản lý thông
minh, HANVET đã tập hợp được một đội ngũ đông đảo Giáo sư, Tiến sỹ, Dược
sỹ, Bác sỹ thú y, kỹ sư và công nhân giỏi, Công ty đã tạo điều kiện tốt nhất để
phát huy trí tuệ, tài năng của họ gắn kết trong một tập thể 500 con người.
Với định hướng kiên trì, từng
bước hiện đại hóa sản xuất, HANVET đã đi từ hai bàn tay trắng đến một doanh
nghiệp đỉnh cao trong việc áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất thuốc thú y.
Những năm 1988-1989, HANVET khởi đầu từ con số 0 với việc chấp nhận gia
công bao bì cho các xí nghiệp bên ngành y tế để dành dụm vốn mua thiết bị và đào
tạo công nhân. Tiếp đó, HANVET mời gọi các dược sỹ, thầy giáo trường dược, tập
trung nghiên cứu sản xuất thuốc thủ công nhưng sản phẩm làm ra đáp ứng đầy đủ
các yêu cầu kỹ mỹ thuật, không kém sản xuất bằng máy móc hiện đại.
Khi đã có của ăn của để, HANVET
đầu tư từng bước những máy móc hiện đại và tự động. Phương châm của Cty là: Chỉ
mua thiết bị tốt, thiết bị đời mới với chi phí thấp nhất có thể. Có máy móc
tốt, phải có con người biết sử dụng máy móc đó. HANVET đã chi không tiếc tiền
đào tạo, đào tạo lại công nhân, cán bộ, kỹ sư... đủ trình độ nắm bắt kiến thức
KHCN mới nhất, đáp ứng yêu cầu sản xuất. Trong “làng” thú y Việt Nam hiện nay,
hệ thống thiết bị sản xuất của HANVET được đánh giá là hiện đại, an toàn, hiệu
suất cao. Cty có phòng kiểm nghiệm (QC) đạt tiêu
chuẩn quốc tế (GLP) với đội ngũ kiểm nghiệm nhân viên giàu kinh nghiệm.
Trí tuệ hoá sản phẩm là một
phương châm, định hướng lớn trong hoạt động của HANVET. Ngay từ những ngày “nghèo khó”, tài chính còn chưa dồi dào, HANVET vẫn
nghiên cứu dược và cho ra đời nhiều sản phẩm mang tầm cỡ quốc tế, như:
Hanoxylin LA, Hamolin LA, Hanpros...., không thua kém hàng ngoại của các doanh
nghiệp dược thú y trên thế giới. Có người cho đây là hướng đi sai lầm của
HANVET, vì lâu nay vẫn tồn tại quan niệm doanh nghiệp dược trong nước không đủ
trình độ, tiền bạc đầu tư cho nghiên cứu, cách nhanh và chắc ăn nhất là đi sản
xuất những gì thế giới đã nghiên cứu.
Trồng cây sẽ đến ngày hái quả, HANVET liên
tục cho ra đời các sản phẩm mới. Những năm 1990, gà mắc bệnh Gumboro chết hàng
loạt, vacxin Việt Nam chưa có, vacxin nước ngoài lại không phù hợp chủng virus
Gumboro ở Việt Nam, HANVET dựa vào thành tựu khoa học mới của thế giới, đưa ra
ý tưởng nghiên cứu sản xuất kháng thể lòng đỏ trứng. Được sự giúp đỡ của các BS
Hoàng Bùi Tiến, GS Hồ Đình Chúc, PGS Vũ Đạt, PGS Nguyễn Văn Long, và các Viện
Nghiên cứu quốc gia, chỉ sau 3 năm, HANVET đã cho ra đời sản phẩm KTG uy tín,
chất lượng với hiệu quả tuyệt vời. Sản phẩm đã đoạt giải nhất Vifotex 2006,
Giải bạc khoa học quốc tế tại Hàn Quốc 2007. Đây cũng chính là những sản phẩm
đầu tay khẳng định thương hiệu HANVET.
Sảm phẩm kháng thể KTG của Công ty HANVET
TS. Nguyễn Hữu Vũ tâm sự: “Khi ra đời sản phẩm KTG, chúng tôi nghĩ nó chỉ
sống được 10 năm là cùng và chỉ phù hợp với chăn nuôi nhỏ, nhưng thật kỳ diệu,
sản phẩm đã sống sót gần 20 năm qua và càng ngày càng có giá trị. Nhiều trăm
triệu gia cầm đã được cứu sống, không hiểu người chăn nuôi Việt Nam sẽ đối phó
với virus Gumboro thế nào nếu thiếu KTG. Lợi ích KTG đem lại cho người nuôi gà
không dễ đong đếm được, nhưng riêng HANVET đã thu được cả chục tỷ từ sản phẩm
này”.
Kháng thể KTV, KTE cũng ra đời
như vậy. Những công trình nghiên cứu này không thể thiếu bàn tay, khối óc các
nhà khoa học Việt Nam, không thể thiếu các Viện nghiên cứu, nhưng phải khẳng
định nhờ quyết tâm và những bước đi táo bạo của HANVET, nên chúng đã có cơ hội
nở hoa, kết trái. Đến nay, kháng thế KTG, KTV, KTE đã trở thành sản phẩm
độc đáo của HANVET!
Sản phẩm kháng thể K.T.E và K.T.V của Công ty HANVET
Không dừng lại ở đó, HANVET tiếp tục
nghiên cứu thành công sản phẩm Hantox,
khi đưa ra thị trường năm 2010 lập tức nổi như cồn trong ngành thú y. Các
sản phẩm dược phẩm, hóa chất diệt côn trùng của Công ty đã xuất sắc vượt qua
hàng chục doanh nghiệp, tập đoàn dược uy tín trong nước và quốc tế, trúng thầu
theo đơn đặt hàng của của Bộ Y tế và xuất khẩu đi nhiều nước. TS. Nguyễn Đức
Lưu, PGS. Nguyễn Văn Long, DS. Trần Văn Giang, ... chính là những người nghiên
cứu đỡ đầu cho các dòng sản phẩm này.
Sản phẩm "Mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre Hantox 3EW"
Khi HANVET tham gia đấu thầu chương
trình phòng chống sốt xuất huyết, Hantox đã thắng nhiều đối thủ là các công ty
lừng danh của Anh, Hàn Quốc, Hà Lan…Các chuyên gia dược đều thừa nhận Hantox
chất lượng không thua kém hàng ngoại.
“Mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre Hantox” thắng thầu, giúp xóa đi những lời
chê bai, dè bỉu dược phẩm nội. Điều đáng khâm phục không phải Hantox chiến
thắng vì giá rẻ (mà ngược lại giá của HANVET cao hơn), mà thắng nhờ chất lượng!
Chính lãnh đạo Bộ Y tế cũng
ngạc nhiên: “Chưa bao giờ trong cả chục năm qua, sản phẩm của Việt Nam trúng thầu
tại Bộ Y tế, thắng đối thủ nước ngoài bằng chất lượng!”. Chiến công nối tiếp
chiến công, năm 2012 Hanvet lại trúng thầu chương trình quốc gia và năm 2013 là
chương trình tiểu vùng sông Mekong.
Điểm đáng nói là, ban lãnh đạo
HANVET chưa bao giờ tự mãn về những thành tích đã đạt được. Khi hỏi về tồn tại
và yếu điểm của HANVET, TS Nguyễn Đức Lưu – Phó TGĐ Công ty bày tỏ:
“HANVET còn yếu về nhân sự nghiên cứu, ít người được đào tạo ở nước ngoài, yếu
cả mảng hợp tác quốc tế, và nhất là thiếu nhiều trang thiết bị nghiên cứu so
với các nước tiên tiến”. Sự khiêm tốn của vị tiến sỹ này dường như cũng là văn
hóa doanh nghiệp của HANVET, khi mà ngay cả người đứng đầu Công ty là Tổng giám
đốc, TS Nguyễn Hữu Vũ vẫn luôn nói rằng, HANVET còn nhỏ bé và luôn sẵn sàng học
hỏi.
Ông Vũ nói: "Để có HANVET
ngày nay, chúng tôi ghi ơn hàng chục Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ thú y tài năng,
họ như những hòn ngọc bị bỏ quên vì cơ chế quốc doanh chưa phát huy được hết
tiềm năng chất xám. Niềm say mê khoa học của họ luôn là những mồi thuốc phóng
cực mạnh, nhưng bệ phóng thì vừa yếu vừa thiếu. Tên lửa ấy phóng đi đâu? Ai sẽ
phóng? HANVET đã mời gọi họ, đặt họ lên bệ phóng và đưa trí tuệ của họ tới các
vì sao”.
Lâu nay nhiều nhà khoa học thú
y đổ lỗi do thiếu tiền, thiếu máy móc nghiên cứu, chưa hẳn đúng. “Đến gần đây,
Công ty chúng tôi mới dành dụm tiền mua được 2 máy HPLC và nhiều thiết bị khác
trị giá hàng chục tỷ đồng. Còn trước kia, HANVET cũng đi nhờ, đi thuê máy, mượn
máy về nghiên cứu. Ngay xung quanh trụ sở Cty HANVET, trong vòng bán kính 100m
có tới 10 máy Elisa, nhiều máy PCR mà có ai sử dụng đâu. Nguồn lực nhà nước đầu
tư bỏ phí quá. Vừa qua chúng tôi mua được 1 máy Elisa nhưng hoạt động gần như
liên tục, phục vụ hữu ích cho nghiên cứu chứ không phải mua về cho oai”, TS
Nguyễn Hữu Vũ tâm sự.
Đến đây thì chúng tôi đã hiểu,
ngoài những nỗ lực của bản thân, con đường đưa HANVET đi đến thành công là nhờ
Công ty đã biết tận dụng chất xám của rất nhiều nhà khoa học tài giỏi của ngành
dược phẩm Việt Nam, các vị Giáo sư ngành sinh học, ngành hóa chất diệt côn
trùng. Đó cũng là lối đi đúng đắn, khôn ngoan và hết sức thông minh của ban
lãnh đạo HANVET. Bằng chứng là HANVET đã được Bộ KH-CN tin tưởng giao nghiên
cứu hai đề tài khoa học cấp quốc gia: Nghiên cứu sản xuất vacxin E.coli (
Tobacoli) cho lợn và vacxin phòng bệnh thối loét (Staphylococcus) trên cá rô
phi. Đề tài nào Công ty cũng nghiên cứu thành công và cho ra sản phẩm bán ngoài
thị trường với doanh số hàng tỉ đồng.
Các sản phẩm nghiên cứu nổi tiếng của HANVET
Từ chỗ là doanh nghiệp nhỏ,
"năm không" nay HANVET đã vượt xa tiêu chí doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Những thành công trên bước đường trưởng thành của Công ty có nhiều nguyên nhân,
nhưng quan trọng hơn cả là mọi sản phẩm của HANVET đều là sản phẩm của khoa
học, trí tuệ và sự qui tụ chất xám. Không hề có “thần dược” nào để biến HANVET
từ một cậu bé thành chàng Gióng khổng lồ, có sức mạnh nhổ cả bụi tre đằng ngà
đánh giặc, điều đơn giản để HANVET vươn lên trở thành doanh nghiệp dược thú y
hàng đầu Việt Nam là nhờ HANVET biết dựa vào các nhà khoa học và các Viện
nghiên cứu để cho ra đời những sản phẩm trí tuệ.
Vì vậy nói không hề quá rằng, HANVET
chính là niềm tự hào của trí tuệ Việt.